Hiện nay, tờ khai (đơn) đăng ký nhãn hiệu được sử dụng là Mẫu số 08 – Phụ lục 1 được ban hành kèm theo Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp. Việc điền các nội dung trong tờ khai này còn gây nhiều khó khăn cho các cá nhân, doanh nghiệp muốn đăng ký nhãn hiệu. Do đó, trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách điền các nội dung trong tờ khai này nhé.
Trước khi điền vào ô nội dung, bạn cần đánh dấu vào ô “Bản giấy” nếu muốn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bằng bản giấy (bản cứng), trường hợp không đánh dấu, Cục SHTT sẽ cấp cho bạn Giấy chứng nhân đăng ký nhãn hiệu bản điện tử (bản mềm) nếu nhãn hiệu của bạn đáp ứng các điều kiện bảo hộ.
Ô nội dung số 1: NHÃN HIỆU
Trong phần Mẫu nhãn hiệu: bạn cần in mẫu nhãn và dán vào trong khung, lưu ý kích thước của mẫu nhãn tối đa là 8×8 cm và cần thể hiện rõ nết tất cả các yếu tố trên mẫu nhãn hiệu.
Trong phần Loại nhãn hiệu yêu cầu đăng ký: bạn cần đánh dấu vào loại nhãn hiệu đặc biệt tương ứng, trường hợp nhãn hiệu của bạn không phải là nhãn hiệu đặc biệt mà chỉ là nhãn hiệu sử dụng thông thường, bạn bỏ qua phần này và không đánh dấu vào ô nào.
Trong phần Mô tả nhãn hiệu: bạn điền đúng các màu sắc hiện có trên mẫu nhãn hiệu vào phần màu sắc, và tiến hành mô tả các thành phần của nhãn hiệu theo hướng từ trên xuống, từ trái sang phải hoặc từ ngoài vào trong… miễn là theo một logic dễ hiểu.
Ô nội dung số 2: NGƯỜI NỘP ĐƠN
Bạn điền tên và địa chỉ của người hoặc tổ chức mong muốn được ghi nhận là chủ sở hữu nhãn hiệu, nếu là cá nhân mang quốc tịch Việt Nam thì điền thêm số căn cước công dân, ngoài ra bạn cũng cần điền đúng số điện thoại và email để Cục SHTT gửi công văn, giấy tờ và liên hệ với bạn khi cần thiết. Cũng trong ô này, nếu có đồng chủ sở hữu (tức là một người hoặc tổ chức khác cũng mong muốn được ghi nhận là chủ sở hữu), bạn cần đánh dấu vào ô “Ngoài người nộp đơn khai tại mục này còn có những người nộp đơn khác khai tại trang bổ sung”.
Ô nội dung số 3: ĐẠI DIỆN CỦA NGƯỜI NỘP ĐƠN.
Nếu người nộp đơn ở ô số 2 là cá nhân, bạn bỏ qua phần này nếu tự mình theo dõi và quản lý hồ sơ đăng ký.
Nếu người nộp đơn ở ô số 2 là tổ chức (bao gồm cả công ty, doanh nghiệp, hội, hợp tác xã, hộ kinh doanh …): bạn đánh dấu vào ô “là người đại diện theo pháp luật của người nộp đơn” và điền đây các thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại, email.
Nếu người đại diện của người nộp đơn không phải là người đại diện theo pháp luật của người nộp đơn, bạn đánh dấu vào ô “là người khác được uỷ quyền của người nộp đơn” và điền đây các thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại, email. Trong trường hợp này bạn cần cung cấp Giấy ủy quyền của tổ chức cho cá nhân được ủy quyền.
Lưu ý, nếu người nộp đơn ở ô số 2 là cá nhân nhưng muốn ủy quyền cho người khác đại diện theo dõi và quản lý hồ sơ, bạn cần đánh dấu vào ô “là người khác được uỷ quyền của người nộp đơn” và điền đây các thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại, email. Trong trường hợp này bạn cần cung cấp Giấy ủy quyền của bạn cho người đại diện và Giấy ủy quyền này cần được công chứng.
Ô nội dung số 4: YÊU CẦU HƯỞNG QUYỀN ƯU TIÊN
Nếu đơn đăng ký của bạn không yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, bạn bỏ qua phần này.
Nếu đơn đăng ký của bạn yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, bạn đánh dấu vào ô tương ứng về nguồn gốc đơn ưu tiên, điền các nội dung về chỉ dẫn đơn là căn cứ để xác định ngày ưu tiên như: số đơn, ngày nộp đơn, nước nộp đơn.
Ô nội dung số 5: PHÍ, LỆ PHÍ
Phần này bạn cân cứ vào ô nội dung số 7 để đánh dấu vào các loại phí cần đóng và ghi số tiền tương ứng vào cột thứ 3 trong bảng phí. Chi tiết số phí, lệ phí cần đóng bạn có thể tham khảo Thông tư số 263/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính: Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp
Ô nội dung số 6: CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG ĐƠN
Bạn cần đánh dấu vào ô “Tờ khai, gồm … trang) và ô “Mẫu nhãn hiệu, gồm … mẫu”. Theo đó, mẫu nhãn hiệu cần nộp theo tờ khai là tối thiểu 05 mẫu, vì vậy bạn cần in thừa 05 mãu nhãn hiệu giống hệt mẫu nhãn hiệu ở ô nội dung số 1 để nộp kèm theo đơn đăng ký.
Trong trường hợp cá nhân hoặc tổ chức ủy quyền cho người khác thực hiện như được đề cập trong ô nội dung số 2, cần đánh dấu vào ô “Văn bản ủy quyền”.
Ngoài ra bạn có thể cần đánh dấu vào các ô khác nếu có tài liệu tương ứng khác nộp kèm.
Ô nội dung số 7: DANH MỤC VÀ PHÂN LOẠI HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ MANG NHÃN HIỆU
Trong phần này, bạn tham khảo Bảng phân loại quốc tế về hàng hoá, dịch vụ theo Thoả ước Ni-xơ để điền đúng tên hàng hóa/dịch vụ và số nhóm của hàng hóa/dịch vụ bạn mong muốn nhãn hiệu của mình được bảo hộ.
Lưu ý: Cục SHTT cho phép điền tối đa 06 hàng hóa/dịch vụ trong mỗi nhóm, nếu vượt quá 06 hàng hóa/dịch vụ trong mỗi nhóm bạn cần đóng thêm các khoản phí bổ sung được ghi ở ô nội dung số 5.
Ô nội dung số 8: MÔ TẢ TÓM TẮT ĐẶC TÍNH CỦA HÀNG HÓA/DỊCH VỤ ĐƯỢC CHỨNG NHẬN
Bạn bỏ qua phần này nếu nhãn hiệu của bạn là nhãn hiệu thông thường như được đề cập trong ô nội dung số 1.
Ô nội dung số 9: CAM KẾT CỦA NGƯỜI NỘP ĐƠN
Phần này bạn điền địa điểm, ngày tháng năm soạn tờ khai và ký tên, đóng dấu (nếu là tổ chức có con dấu).
Trong trường hợp ủy quyền cho người khác thực hiện như nội dung ở ô số 2, người được ủy quyền sẽ ký tên vào ô này.
Trang bổ sung:
Tại trang này, bạn ghi thêm các thông tin của người/tổ chức khác nếu họ là đồng chủ sở hữu như đã nêu ở ô nội dung số 1. Đồng thời đánh dấu vào ô “Có yêu cầu cấp phó bản Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu” nếu người/tổ chức này cũng muốn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Lưu ý quan trọng: phía cuối mỗi trang tờ khai đều có ô nội dung số 9 để ký tên của người nộp đơn hoặc người đại diện của người nộp đơn (không cần đóng dấu).
Trên đây là nội dung cơ bản cách điền tờ khai (đơn) đăng ký nhãn hiệu. Hãy thận trọng khi soạn thảo tờ khai này, nếu không chắc chắn, hãy liên hệ Luật Đông Nghĩa để được hỗ trợ.